Phần thứ nhất
TỪ XUẤT XỨ CHO ĐẾN CUỐI THẾ KỶ THỨ III
Jean Danìlou
TỪ XUẤT XỨ CHO ĐẾN CUỐI THẾ KỶ THỨ III
Trong lịch sử, vấn đề các xuất xứ bao giờ cũng khó khăn. Muốn xác định các biến cố một cách chặt chẽ khoa học, cần phải có những tài liệu văn khố, những công trình khảo cổ. Những thứ này giả thiết đã có trong đời sống công cộng. Hơn nữa những người chủ xướng đầu tiên, họ làm lịch sử hơn là viết lịch sử. Ðiều nầy nghiệm đúng về kitô giáo cũng như về mọi dữ kiện lịch sử khác và đó chính là những khó khăn của các chương đầu cuốn sách nầy. Cần phải xử dụng các tài liệu một cách rất dè dặt. Nhiều lúc khó lòng đặt chúng vào đúng được niên đại, tính xác thực của chúng còn bị bàn cãi, lối giải thích thì hàm hồ.
Hình như có thể áp dụng một giải pháp: bám chặt lấy những chi tiết đã nắm được. Về mấy chục năm đầu của kitô giáo đã có những yếu tố đầy đủ của một lịch sử thường được chép ra. Tập Tông đồ Công Vụ và các Bức thư của Phaolô, những điều ám chỉ của các sử gia latinh, các văn kiện do Eusèbe thành Césarée thu tập cho phép đi đến một số điều xác đáng không thể bàn cãi và không ai đem bàn cãi. Nhưng có thể là những điều ấy chỉ mang đến một hình ảnh sai lạc về các thế kỷ kitô đầu tiên bởi vì hình ảnh chỉ là một phần rất nhỏ. Sách Công Vụ và các Bức thư chỉ lưu ý đến công việc của Phaolô; các sử gia latinh chỉ nói về những mối giao tiếp giữa các kitô hữu và Ðế quốc; Eusèbe để lại một nguồn tài liệu hầu như chỉ liên hệ riêng đến các miền Asia, Syrie và Ai Cập.
Muốn mang lại một hình ảnh đầy đủ hơn và bởi đấy cũng đúng thực hơn, phải dùng đến một phương pháp khác với phương pháp chỉ căn cứ vào những dữ kiện lịch sử chắc chắn đã được thuật lại. Mặc dầu thiếu nhiều chi tiết chính xác, nhưng còn có những yếu tố khác giúp ta đạt tới các toàn bộ. Phương pháp này rất khoa học, miễn là biết bám chặt những gì có quyền khẳng định. Tuy thiếu tài liệu cung cấp những dữ kiện lịch sử chắc chắn, những thế kỷ kitô đầu tiên để lại cho chúng ta một di sản văn học đa dạng lạ thường.
Xử dụng chúng vào lịch sử Giáo hội là vấn đề khó khăn. Các điều phê phán về niên đại và định chỗ cho sách Didachè hoặc cuốn Ðoản ca của Salomon, cho thuyết manđé hay thuyết ngộ đạo rất khác nhau. Không biết lấy gì làm mục tiêu. Nhưng từ hai mươi năm nay, việc khám phá phần Do Thái thâm sâu có trước khi đạo kitô rẽ hướng cùng với tính cách phức tạp trong đó và sự hiểu biết tường tận hơn về giới Hy Lạp và Roma là môi trường phát triển của đạo này, đã mang đến manh mối xác thực hơn về các bản văn, và như vậy, có thể xử dụng chúng vào lịch sử.
Dầu vậy phải từ từ mới bớt được những cái chưa lấy gì làm chắc chắn. Nhưng ít ra phương pháp vẫn tồn tại. Cũng nhờ đó có thể vạch một hình ảnh sống động và thiết thực hơn về những bước đầu của kitô giáo. Chắc chắn là phải phác họa trước rồi mới ấn định được các nét sau. Và nhiều khi chúng tôi không thể tự phụ làm gì được hơn. Cho dù còn có thể và cần phải xác định lại một số chi tiết, vẫn nói được rằng hoạch định các toàn bộ đại cương hầu có thể được một cái nhìn tổng quát là điều có thể làm được.